NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG
Romain Gilbert: “Chúng tôi không chỉ trình diễn mà làm hồi sinh Carmen”
Linh Nhi, Phương Nhung - Ảnh, Clip Hồng Nam
07:59 - 27/04/2025
98
Lần đầu tiên khán giả Việt Nam được thưởng thức một phiên bản gần như nguyên gốc của kiệt tác lừng danh opera Carmen. Thành công của Carmen không chỉ bởi âm nhạc đẹp, sống động, sân khấu dàn dựng công phu, diễn xuất xuất thần của các nghệ sĩ, còn có cả vai trò và sự chỉ đạo tài hoa của đạo diễn Romain Gilbert – người đã dẫn dắt toàn bộ ê kíp sáng tạo trong quá trình phục dựng Carmen đúng với tinh thần và hình hài từng được trình diễn cách đây 150 năm tại Pháp.
Hành trình nghệ thuật không ranh giới
Đạo diễn Romain Gilbert, sinh ra và lớn lên tại Pháp, bắt đầu con đường học vấn của mình với ngành kỹ thuật trước khi rẽ sang lĩnh vực nghệ thuật. Anh từng theo học piano và thanh nhạc tại Nhạc viện Paris, sau đó lấy bằng Cử nhân Âm nhạc học và Thạc sĩ Quản lý Âm nhạc tại Đại học Sorbonne. Trước khi chính thức bước vào sự nghiệp đạo diễn, anh có 10 năm làm quản lý của Hội Bạn hữu Nhà hát Opéra de Paris, đồng thời đảm nhận nhiều vị trí sản xuất tại Nhà hát Châtelet, Dàn hợp xướng Accentus và Nhà hát Opéra national de Paris.
Cơ hội làm việc với những nghệ sĩ tên tuổi như: Jean-François Zygel hay Marc Minkowski, đã dẫn dắt anh bước vào con đường đạo diễn sân khấu. Romain Gilbert nhanh chóng trở thành cộng sự thân thiết của nhiều đạo diễn hàng đầu châu Âu như: Laurent Pelly, Ivan Alexandre, Krystian Lada hay Claus Guth.
Từng dàn dựng tại những Nhà hát danh tiếng: Gran Teatre del Liceu, Royal Opera of Versailles, Nhà hát Drottningholm (Thụy Điển), Teatro San Carlo (Naples) hay Elbphilharmonie Hamburg, Romain Gilbert gây ấn tượng không chỉ bằng chuyên môn vững vàng mà còn bởi tư duy sân khấu của anh luôn gắn liền với việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa.
Romain Gilbert tâm sự: “Dù làm việc ở Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức hay Việt Nam, tôi luôn tin rằng điều quan trọng nhất là trung thành với tinh thần của tác phẩm. Nếu không tôn trọng điều đó, sân khấu chỉ còn là hình thức”. Dù thử sức ở nhiều hình thức sân khấu khác nhau, nhưng Romain Gilbert vẫn coi các tác phẩm cổ điển như Carmen là điểm tựa nghệ thuật. Anh cho rằng: “Chúng ta có thể sáng tạo với tác phẩm mới, nhưng những giá trị xưa cũ vẫn cần được giữ gìn. Carmen là một ví dụ sống động – một kiệt tác vượt thời gian. Điều khiến nó sống đến tận hôm nay chính là sự trung thành với cảm xúc, với bản chất con người – điều đó thì không bao giờ lỗi thời. Điều đó được minh chứng khi Carmen để lại một cảm xúc đặc biệt trong lòng khán giả Việt Nam đó cũng là nỗ lực và một hành trình đưa một tác phẩm cổ trở lại với công chúng bằng tất cả tình yêu và sự tôn trọng”.
Hành trình đưa Carmen trở về nguyên bản lịch sử
Không giống những đạo diễn tìm cách “làm mới” tác phẩm kinh điển, Romain Gilbert chọn cách lội ngược dòng. Khi được mời phục dựng Carmen, anh xác định đây là cơ hội để khán giả thế kỷ XXI được “chạm vào” lịch sử sân khấu thế giới.
Romain Gilbert cho rằng: “Chúng tôi có trong tay một kho tư liệu vô giá: toàn bộ bản vẽ sân khấu, phục trang, chỉ dẫn dàn dựng từ năm 1875. Với tôi, đó không đơn thuần là tài liệu – đó là linh hồn của Carmen”.
Những bản vẽ gốc từ thế kỷ XIX cho thấy mỗi màn trong Carmen đều có một không gian sân khấu riêng biệt, và từng chi tiết nhỏ, từ ánh sáng, vị trí dàn hợp xướng đến cách nghệ sĩ ra vào, đều được ghi chép tỉ mỉ. Dựa trên kho tư liệu này, anh và đội ngũ cộng sự đã tái tạo bối cảnh gần sát nhất với nguyên mẫu, mang đến một không gian sân khấu cổ điển nhưng vẫn sống động với khán giả hiện đại. Đặc biệt, nhà thiết kế phục trang Christian Lacroix và họa sĩ sân khấu Antoine Fontaine đã không sử dụng công nghệ in ấn hiện đại mà vẽ tay toàn bộ phông nền và phục trang theo đúng tinh thần bản gốc. “Chất lượng phục trang và bối cảnh khiến tôi thực sự xúc động. Chúng tôi không chỉ đang dựng lại một vở diễn – chúng tôi đang hồi sinh một cách làm nghệ thuật đã dần bị lãng quên” Romain Gilbert chia sẻ.
Trong suốt quá trình phục dựng, điều khiến Romain Gilbert ấn tượng sâu sắc nhất chính là sự kỳ công của các nghệ nhân xưa trong việc thiết kế sân khấu và trang phục. Anh cho biết: “Khi bạn đến gần để nhìn chi tiết bức tranh phông nền của họa sĩ Antoine Fontaine, hay chạm vào từng lớp vải trong phục trang của Christian Lacroix, bạn nhận ra đây thực sự là những kiệt tác. Đó là một nghệ thuật hoàn chỉnh mà chúng ta đang dần đánh mất trong thời đại kỹ thuật số”.
Trước khi đến Việt Nam, Romain Gilbert từng dàn dựng Carmen tại HongKong vào năm 2024. Tuy nhiên, phiên bản công diễn tại Nhà hát Hồ Gươm mang ý nghĩa đặc biệt hơn: đánh dấu 150 năm Carmen xuất hiện trước công chúng Paris và cũng là lần đầu tiên khán giả Việt Nam được thưởng thức một phiên bản gần như nguyên bản của vở opera nổi tiếng này. Đó cũng là thách thức lớn. Tuy nhiên, Romain Gilbert không chỉ nỗ lực dựng lại nguyên bản mà là làm sao để "tái tạo được hồn cốt, tinh thần của một vở diễn 150 năm trước trong điều kiện và cảm nhận của khán giả ngày nay." Điều đó đòi hỏi sự linh hoạt trong cách xử lý ánh sáng, sân khấu, tương tác giữa các nhân vật và nhịp độ của toàn bộ vở diễn – những yếu tố ngày nay đã rất khác so với thời kỳ đầu. Một điểm đáng lưu tâm chính là vở diễn còn có sự kết xuất hiện của bảy nghệ sĩ Việt Nam mà với Romain Gilbert thì: “Các nghệ sĩ Việt Nam tham gia trong vở diễn thực sự cầu thị. Khi được đặt vào một tình huống cụ thể, họ nắm bắt rất nhanh và thể hiện đúng tinh thần cần có. Việc các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp cùng nhau tái hiện Carmen là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa đầy cảm hứng” anh nhận xét.
Hai đêm diễn tại Nhà hát Hồ Gươm đã khép lại, nhưng dấu ấn mà Romain Gilbert để lại thì vẫn còn đọng mãi trong lòng khán giả Việt Nam, những người may mắn được chạm vào vẻ đẹp vĩnh cửu của Carmen.
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera